anh tin baianh tin baianh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nam Định: Phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 892

Trải qua hàng trăm năm hình thành, phát triển, nhiều làng nghề truyền thống ở Nam Định cho đến nay vẫn phát triển mạnh và đóng góp tích cực, hiệu quả vào đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa ở địa phương, vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

 Tính đến nay, tỉnh Nam Định sở hữu nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm, được giữ gìn qua nhiều thế hệ, có thương hiệu toàn quốc. Nếu như huyện Nam Trực nức tiếng gần xa với làng rèn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang; làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá; làng nghề làm hoa giấy, hoa lụa ở Báo Đáp, xã Hồng Quang; luyện đồng, chạm vàng bạc ở Đồng Quỹ, xã Nam Tiến… thì huyện Trực Ninh lại được biết đến với nghề ươm tơ, dệt lụa ở các làng Cự Trữ, Cổ Chất ở xã Phương Định và làng Dịch Diệp, xã Trực Chính. Huyện Nghĩa Hưng thì có nghề khâu nón ở xã Nghĩa Châu; dệt chiếu ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn; đan vó cá ở xã Hoàng Nam, làng nghề làm mắm Ngọc Lâm. Huyện Vụ Bản - vùng đất “địa linh nhân kiệt” với các nghề rèn ở xã Quang Trung; sơn mài, sơn then làng Hổ Sơn, xã Liên Minh; đan gối mây Tiên Hào, xã Vĩnh Hào. Huyện Ý Yên từ lâu đã được xem là đất nghề với nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Tiến; đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm,… Làng sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến vẫn còn truyền tụng câu: “Sơn Định Bảng khéo cầm, khéo chế/Thợ tỉnh Nam chạm vẽ khéo tay” ca ngợi sự tài hoa, thông minh, sáng tạo của những nghệ nhân nơi đây. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện toàn tỉnh có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hải Hậu với 41 làng nghề; huyện Ý Yên 25 làng nghề và huyện Nam Trực 21 làng nghề... Nhóm làng nghề truyền thống (trên 50 năm tuổi) có 29 làng nghề với các sản phẩm như: cây cảnh, đồ đồng, đồ gỗ, mây tre đan... mang đậm nét văn hóa truyền thống.Nghề đúc đồng ở Tống Xá (Ý Yên),…

Nghệ nhân Trương Ngọc Vui, Chủ tịch Hội làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên
Nghệ nhân Trương Ngọc Vui, Chủ tịch Hội làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên

Mỗi làng nghề ở Nam Định có lịch sử hình thành, phát triển khác nhau, tùy vào điều kiện tự nhiên và xã hội. Ngoài các ý nghĩa về sinh kế, kinh tế, các làng nghề truyền thống ở Nam Định đều hội tụ hai giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Trong đó, văn hóa vật thể thể hiện qua sản phẩm làng nghề, công trình kiến trúc di tích thờ tổ nghề…; văn hóa phi vật thể thể hiện qua kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng… Không chỉ giải quyết việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, các làng nghề ở Nam Định còn đã và đang góp phần gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Trong số các làng nghề truyền thống ở Nam Định, làng nghề đúc đồng Tống Xá (thị trấn Lâm, huyện Ý Yên) có tuổi đời đến nay đã hơn 900 năm. Vào năm 1118, khi đi qua vùng đất Tống Xá ngày nay, nhà sư Nguyễn Minh Không (tức Lý Quốc Sư) phát hiện đồng làng Tống Xá có loại đất sét có thể làm được khuôn đúc nên đã ở lại dạy dân làng nghề đúc kim loại, chế tác ra các dụng cụ bằng các chất liệu gang, đồng… Nghề đúc gang, đúc đồng được hình thành ở Tống Xá kể từ đó và được xem là một trong những “cái nôi” của nghề đúc đồng ở Việt Nam.

Nếu như làng nghề đúc đồng Tống Xá có tuổi nghề hơn 900 năm thì làng nghề ươm tơ Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh) cũng có tuổi đời đến 800 năm, được hình thành từ thời Trần thịnh trị. “Nghề ươm tơ” trong câu ca “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/Có về Nam Định với anh thì về/Nam Định có bến Đò Chè/Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ” chính là nói về nghề ươm tơ ở Cổ Chất - một trong những làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ, dệt lụa nổi tiếng nằm ven bờ bãi sông Ninh Cơ màu mỡ.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Đức làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên đang truyền dạy nghề cho học viên
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Đức làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên đang truyền dạy nghề cho học viên

Ngoài giá trị văn hóa vật thể, các làng nghề truyền thống ở Nam Định còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể thể hiện qua kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng…

Nói đến những làng nghề có tuổi nghề tính bằng nhiều thế kỷ ở Nam Định còn phải kể đến làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên) với tuổi nghề gần 10 thế kỷ, Tổ nghề là tướng quân Ninh Hữu Hưng. Làng nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) có tuổi nghề hơn 600 năm, Tổ nghề là Ngô Đức Dũng, Ngô Ân Ba, sản phẩm chủ lực ngày nay là các loại đĩa, khay, hộp, rương, lọ hoa, tranh sơn thủy…, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Làng hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực) có tuổi nghề hơn 800 năm, Tổ nghề là tướng quân Tô Trung Tự, thuộc tướng của Trần Hưng Đạo. Làng rèn Vân Chàng (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) có tuổi nghề hơn 700 năm…

Nhằm tạo không gian phát triển mới cho các làng nghề, thuận tiện trong công tác quản lý, khắc phục mặt trái gây ô nhiễm môi trường của các làng nghề, từ hàng chục năm trước, tỉnh Nam Định đã thực hiện chủ trương phát triển, hình thành các Cụm công nghiệp làng nghề. Nhiều Cụm đã và đang hoạt động hiệu quả như Cụm Công nghiệp cơ khí xã Xuân Tiến (Xuân Trường), Cụm công nghiệp cơ khí Đồng Côi - Vân Chàng (Nam Trực), Cụm công nghiệp đồ gỗ Yên Ninh (Ý Yên), Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn, Cụm công nghiệp Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), Cụm công nghiệp An Xá (TP Nam Định)… Ở thời điểm hiện tại, nhiều Cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn đang được tỉnh xúc tiến quy trình đầu tư thành lập.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang là định hướng phát triển của tỉnh Nam Định. Với thành quả 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; từ năm 2021 đến nay có thêm 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Giao Phong (Giao Thủy) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; với hệ thống dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng cùng rất nhiều các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; hạ tầng nông thôn đặc biệt là giao thông thuận tiện, đồng bộ; lại có tới 226 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên; có 7 món ăn lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (phở bò, bún đũa, bánh cuốn làng Kênh, nem nắm Giao Thủy, nước mắm Sa Châu, kẹo Sìu Châu, gạo Tám xoan Hải Hậu) và đặc biệt, như đã đề cập, với nhiều làng nghề nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng. Đây cũng đang là định hướng phát triển của tỉnh gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Để phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển nông thôn mới cần chú trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống; nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức, trách nhiệm đối với nghề cho người dân. Tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp du lịch để đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân làng nghề, tạo môi trường du lịch thân thiện, cởi mở, gần gũi giữa người dân với du khách. Đồng thời, hình thành các dịch vụ ăn uống, lưu trú, tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, giúp du khách có cơ hội giao lưu, trải nghiệm thực tế; thiết kế, chọn lựa các sản phẩm phù hợp làm quà lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch về các làng nghề truyền thống.

Phát huy được tiềm năng, lợi thế rất lớn của tỉnh Nam Định trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới cần nhiều giải pháp, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, chung tay sát cánh giữa các cơ quan chính quyền các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân địa phương, các công ty du lịch, lữ hành. Trong đó cần rà soát xây dựng đề án, tích hợp quy hoạch các khu đủ điều kiện phát triển mô hình du lịch làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Nam Định để thu hút đầu tư; chú trọng bảo tồn cảnh quan sinh thái, giá trị văn hóa, không gian văn hóa, di tích lịch sử. Nâng cao nhận thức về phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt cần có sự đồng thuận, quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn. Đổi mới công tác truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó khai thác hiệu quả việc quảng bá trên mạng internet. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, cần có sự liên kết chặt chẽ của các ngành (nông nghiệp, công thương, công nghiệp chế biến và du lịch) với các công ty lữ hành. Đào tạo, tập huấn phát triển kỹ năng, tiếp cận tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số, đa dạng hóa kinh tế, quản trị mới và đánh giá tác động... trong phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới; năng lực của đội ngũ quản lý Nhà nước về phát triển du lịch nông nghiêp, nông thôn. Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường. Quản lý chặt chẽ điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, trong đó chú trọng lợi ích của người dân. Trước mắt thực hiện mô hình thí điểm, trên cơ sở kết quả để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

Tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho quy hoạch và thực hiện quy hoạch du lịch nông thôn, đặc biệt là du lịch làng nghề truyền thống gắn với xây dựng NTM; tăng cường quảng bá du lịch nông thôn thông qua ứng dụng chuyển đổi số; bổ sung kinh phí cho các địa phương để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp; xây dựng thí điểm mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: langngheviet.com.vn  

 

          Cơ quan chủ quản: UBND xã Xuân Bắc, Huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định

          Địa chỉ: Xóm 2 (xóm 4 cũ) - Xã Xuân Bắc

          Email: Xaxuanbac.xtg@namdinh.gov.vn

          ĐT: 0228.3886106

 

image banner